Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Tỷ phú Take One khởi nghiệp từ vải vụn

Tỷ phú Take One khởi nghiệp từ vải vụn
Trần Phương Huyền
    'Sốc, bó tay, không tưởng' là từ mà nhiều bạn trẻ, doanh nhân... bày tỏ khi được hỏi có thể khởi nghiệp kinh doanh, làm giàu từ số vốn chỉ 1 triệu đồng hoặc ít hơn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bạn trẻ đang kinh doanh thành công dù điểm xuất phát chỉ 1 triệu đồng hoặc tay trắng. Báo Tiền Phong mở 'diễn đàn Kinh doanh với 1 triệu đồng' – nơi mọi độc giả chia sẻ ý tưởng hoặc câu chuyện thực tế liên quan đến khởi nghiệp từ số vốn rất ít.
  Khởi nghiệp từ những mảnh vải thừa của mẹ, sau gần 5 năm, Trần Phương Huyền, 23 tuổi, đã là giám đốc Cty với thương hiệu gối thủ công nổi tiếng Take One và sở hữu căn nhà trị giá gần 5 tỷ đồng.
  Nữ giám đốc trẻ trung xinh đẹp Trần Phương Huyền từng là Á khoa ĐH Ngoại thương năm 2005 với điểm số 28,5. Gia đình có nghề may quần áo, nên từ nhỏ Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Thấy vải thừa lãng phí, Huyền tỉ mẩn khâu vá, làm áo búp bê, khăn, gối tặng bạn... Huyền ghép các miếng vải thành tên, lời nhắn trên khăn gối nên được một số bạn đặt làm để tặng người khác. 
  "Thiếu vốn kinh doanh không phải là rào cản quá lớn, mà yếu tố quan trọng nhất là đam mê và có định hướng" - Phương Huyền
  Từ đó, cô nữ sinh năm thứ nhất khoa Kinh tế đối ngoại nảy ra ý định kinh doanh gối làm thủ công. “Không có vốn, mình tận dụng vải vụn để làm, không ngờ cũng bán được nhiều gối với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc”, Huyền cho biết.
  Sau 1 năm kinh doanh nhỏ lẻ, 19 tuổi, Huyền bắt đầu mở cửa hàng tại nhà với cái tên lạ Take One nhằm nhấn mạnh tính sáng tạo, có một không hai của sản phẩm. Từ nguồn vải nỉ đủ màu sắc nhập từ Hàn Quốc, Huyền làm ra đủ dạng gối, phù hợp với mọi sở thích. Khách hàng tìm đến Huyền ngày càng nhiều bởi tính riêng biệt của sản phẩm. “Gối được làm theo ý tưởng của khách. Mỗi khách hàng có sở thích về màu sắc, kiểu chữ, lời nhắn riêng nên sản phẩm ra đời đều khác nhau, mang đậm dấu ấn cá nhân”, Huyền lý giải.
Kinh nghiệm thay vốn
  Vì không có vốn, Huyền vừa đi học, vừa cắt may, vừa bán hàng. Tới năm thứ ba ĐH, Huyền mới mở rộng cửa hàng, làm cô chủ nhỏ với hơn 10 nhân viên. Không tốn tiền quảng cáo, nhưng mỗi ngày Huyền bán được gần trăm sản phẩm. 
   "Nhiều bạn có xu hướng kinh doanh thời trang, mở cửa hàng, hoặc shop online, theo mình thị trường này đã bão hòa nên phải tính toán cân nhắc, nếu vốn không dài thì khó xoay vòng, không cập nhật được mẫu mã mới. Nếu ít tiền, không nên kinh doanh theo đại trà mà bắt đầu từ sự sáng tạo của mình, tự làm, tự bán sản phẩm là tốt nhất." - Phương Huyền chia sẻ kinh nghiệm
  Những chiếc gối có hình họa ngộ nghĩnh, chữ cắt khéo léo như Sweet Dream, Ngủ ngon em yêu, Love You, Mãi bên em, Khò khò, Mình đừng thức khuya... của Huyền luôn được giới trẻ đón nhận. Sản phẩm của Huyền nhanh chóng là món quà ưa chuộng của teen Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Tĩnh  Quảng Bình... Nhiều khách đặt hàng cho Huyền làm quà tặng gửi sang Anh, Mỹ, Pháp... Thương hiệu gối Take One đã được đăng kí bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cty TNHH Take One ra đời năm 2008.
  Ngoài Cty, tài sản lớn Huyền có được sau gần 5 năm kinh doanh là căn nhà 3 tầng nằm trên đường Âu Cơ (Hà Nội) do cô mua bằng tiền túi. Cách đây 3 năm, Huyền tâm sự ước mong lớn là có xưởng riêng, chuyên môn hóa từng khâu sản xuất dù là mặt hàng làm bằng tay. Nay Huyền đã hiện thực hóa được ước muốn ngay trong căn nhà mới. Xưởng của Huyền có 50 nhân viên, đa phần là người trẻ; sản phẩm có mặt khắp Việt Nam và có 20% số lượng sản phẩm khách đặt mua mang đi nước ngoài. Bước vào kinh doanh, Huyền không có vốn, nhưng cô tự hào với nguồn vốn vô giá là kinh nghiệm may vá học được từ mẹ, cách phân biệt và sử dụng chất liệu vải tốt. “Những ngày là sinh viên ĐH Ngoại thương, mình học được cách phát triển tư duy, tính tự lập, sáng tạo và năng động”, Huyền nói.  
Hải Yến


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét